Các cột mốc phát triển của bé cha mẹ cần nắm

Trải qua quá trình mang thai đầy thử thách, cuối cùng mẹ cũng được gặp bé yêu, bế con trên tay với nhiều cảm xúc khó tả. Hành trình của cả nhà sẽ bắt đầu từ đây với đầy ắp những cột mốc đáng nhớ như khi con biết lật, biết bò, biết đi… Là một người mẹ, người ba, ai cũng mong muốn đồng hành cùng con trong những cột mốc phát triển đầu đời. Vì thế, trong bài viết này, Khỏe Đẹp Cao Hơn sẽ chia sẻ các cột mốc phát triển của bé để ba mẹ cùng theo dõi hành trình của con khi đến với thế giới này nhé.

Trẻ sơ sinh sẽ trải qua nhiều cột mốc quan trọng trong những năm đầu đời
Trẻ sơ sinh sẽ trải qua nhiều cột mốc quan trọng trong những năm đầu đời

Em bé mới sinh phát triển thế nào?

Có một sự thật phải công nhận rằng, trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh đến nỗi ba mẹ có thể cảm nhận được sự khác biệt qua từng tuần hay thậm chí là vài ngày. Lúc mới sinh, khuôn mặt, nhất là mí mắt của trẻ thường bị sưng, còn mũi thì thấp hơn bình thường. Bên cạnh đó, thị giác của trẻ cũng chưa phát triển toàn diện nên tầm nhìn rất hạn chế.

Trẻ sơ sinh dành hầu hết thời gian cho việc ngủ, có thể lên đến 19 tiếng mỗi ngày ở tuần đầu tiên và giảm dần ở những tuần tiếp theo. Đặc biệt là trong 24 giờ đầu sau sinh, trẻ chỉ thức giấc khi cảm thấy đói hay đi vệ sinh. Ngoài ra, bé yêu hoàn toàn có thể nhận ra giọng nói của ba mẹ trong những tuần đầu chào đời. Chính vì thế, việc thường xuyên trò chuyện với bé từ khi còn trong bụng mẹ sẽ giúp bé cảm nhận tốt hơn về môi trường xung quanh sau khi chào đời.

Vì sao nên quan tâm nuôi dạy trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi?

Theo các chuyên gia, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển của trẻ qua từng tháng tuổi vì mỗi giai đoạn sẽ là cột mốc phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, việc tìm hiểu chi tiết về các cột mốc phát triển của bé từ trước khi sinh con là điều mà bất kỳ ba mẹ nào cũng nên làm để lên kế hoạch nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tốt nhất.

Khi tiếp nhận quá trình nuôi dạy và chăm sóc phù hợp, trẻ sơ sinh sẽ có nhiều cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cũng như dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh, tăng khả năng nhận thức, tập trung và ghi nhớ của trẻ. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, ba mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với những điều đơn giản và gần gũi nhất, sau đó tăng dần đến những điều phức tạp hơn để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tìm hiểu những cột mốc phát triển của bé sẽ giúp ba mẹ chăm sóc và nuôi dạy trẻ tốt hơn
Tìm hiểu những cột mốc phát triển của bé sẽ giúp ba mẹ chăm sóc và nuôi dạy trẻ tốt hơn

16 mốc phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu

Để tìm hiểu chi tiết các cột mốc phát triển của bé trong những năm đầu đời, ba mẹ đừng bỏ lỡ những thông tin bổ ích ngay sau đây.

Cột mốc thứ nhất – Biết nâng đầu lên

Ở giai đoạn gần cuối của tháng đầu tiên sau sinh, trẻ có xu hướng cố gắng nâng đầu lên khi được đặt nằm sấp nhưng thường sẽ rất khó khăn. Mãi cho đến cuối tháng thứ hai sau sinh, trẻ mới có thể nâng đầu lên 1 góc 45° bằng cách chống tay dưới bụng khi được đặt nằm sấp, tuy nhiên thời gian trẻ nâng đầu không kéo dài và phần đầu cũng không được giữ cố định do xương khớp của trẻ chưa được cứng cáp.

Ở tháng thứ 4, trẻ có thể nâng đầu lên 90° và giữ đầu cố định, đồng thời kiểm soát tốt cử động ở phần đầu. Bước sang tháng thứ 6, bé yêu đã có thể tự tin nâng cao đầu và giữ cố định tốt và có thể xoay qua xoay lại nhẹ nhàng để quan sát những điều diễn ra xung quanh. Ngoài phần đầu, bé cũng có thể nâng phần ngực và bụng hoặc cố gắng chồm về phía trước bằng cách dùng tay chịu lực từ bên dưới bụng.

Ở cuối tháng thứ 7, việc kiểm soát phần đầu của bé như nâng lên, hạ xuống hay xoay sang hai bên sẽ tốt hơn rất nhiều vì xương khớp đã dần cứng cáp hơn. Việc ba mẹ cần làm là quan sát những cử động của bé, nhất là trong những tháng đầu khi xương khớp của bé chưa đủ cứng cáp, tránh để bé nằm sấp quá lâu vì trẻ có thể úp mặt xuống nệm hoặc nghiêng đầu sang 1 bên trong một thời gian dài, gây ra những rủi ro không mong muốn.

Cột mốc thứ 2 – Phát ra những âm thanh đầu tiên trong đời

Trẻ có thể phát ra những âm thanh đầu đời sớm nhất vào tháng thứ 2 hoặc muộn nhất là vào tháng thứ 3 khi dây thanh quản của trẻ đã bắt đầu phát triển. Khoảng tháng thứ 4, ba mẹ có thể nghe được những âm thanh cơ bản từ bé như tiếng “oh”, “ah”, “eh”…

Từ cuối tháng thứ 6 trở đi, bé có thể phát âm kết hợp nhiều nguyên âm hơn như “eaaa”, aeee”, “aooo” và các phụ âm như “mh”, “bh”, “dh”. Trong giai đoạn này, ba mẹ có thể cho bé làm quen nhiều hơn với các âm đơn giản hoặc tập cho bé nói những từ đơn giản như “ba”, “mẹ”, “bà”… để đến khoảng cuối tháng thứ 8, bé có thể bập bẹ được những từ cơ bản như “baba” dù chưa hiểu ý nghĩa của từ.

Từ cuối tháng thứ 9 trở đi, bé có thể bắt chước ba mẹ để nói lại một số từ cơ bản nhưng không rõ chữ. Tình trạng này sẽ được khắc phục khi bé tròn 1 tuổi.

Cột mốc thứ 3 – Biết lật người

Ở tháng thứ 4, bé đã bắt đầu có những biểu hiện lật người từ ngửa thành sấp hoặc ngược lại nhưng đó chỉ mới là những cử động cơ bản ban đầu vì cơ bụng của bé chưa đủ khỏe. Đến khoảng tháng thứ 6, bé có thể lật hoặc lăn liên tiếp nhiều vòng để di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu lật người, ba mẹ cần chú ý trẻ nhiều hơn, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau sinh để tránh việc bé lật sấp quá lâu, gây ngạt thở hay khó thở. Đồng thời, ba mẹ cũng cần lưu ý đến tư thế tay của bé vì còn quá nhỏ nên bé chưa thể kiểm soát tay khi lật người, dễ dẫn đến sức nặng cơ thể tác động lên tay.

Cột mốc thứ 4 – Biết ngồi

Sau khi bé đã biết lật, nhiều ba mẹ sẽ bắt đầu tập cho bé ngồi, thông thường là vào khoảng cuối tháng thứ 4 sau sinh. Lúc này, xương khớp vùng cổ của bé đã đủ cứng cáp nên có thể ngồi thẳng lưng khi có sự hỗ trợ của ba mẹ.

Biết ngồi là một trong những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ
Biết ngồi là một trong những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ

Ở tháng thứ 6, nhiều bé đã có thể tự ngồi mà không cần ba mẹ giúp giữ thăng bằng nhưng chỉ trụ được trong một khoảng thời gian ngắn. Bắt đầu từ tháng thứ 9, bé hoàn toàn có thể tự ngồi và thời gian ngồi kéo dài từ 7 – 10 phút. Ở tháng thứ 10, bé có thể chuyển từ tư thế nằm sang ngồi và từ đứng sang ngồi khi tròn 1 tuổi.

Trong giai đoạn này, ba mẹ nên theo dõi những biểu hiện của bé cũng như đánh giá khả năng ngồi của trẻ thông qua tiếp xúc hàng ngày để biết khi nào nên nâng đỡ hoặc không, tránh tình trạng bé ngồi không vững, ngã ra sau hoặc trước mà không có người lớn bên cạnh.

Cột mốc thứ 5 – Biết trườn, bò

Ở cuối tháng thứ 2, khi những kỹ năng tiền thân bắt đầu phát triển, bé đã có thể thực hiện những cử động liên quan đến việc trườn hay bò như nâng đầu lên kết hợp với nâng ngực bằng cách dùng lực từ cánh tay, cổ tay và bàn tay. Sau khi biết trườn, bé có thể chuyển sang tư thế bò ở khoảng tháng thứ 7 – 9.

Tương tự như khi bé lật người, ba mẹ nên theo sát con để điều chỉnh tư thế hoặc trợ giúp bé yêu khi cần thiết, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho bé phát huy khả năng của mình mà không lo va đập tay, chân quá nhiều bằng cách sử dụng nệm hoặc miếng lót sàn chuyên dành cho trẻ nhỏ.

Cột mốc thứ 6 – Biết đứng

Nhờ sự hỗ trợ của ba mẹ, bé có thể đứng được từ tháng thứ 2 nhưng thường co chân lên để không phải chịu lực quá nhiều khi xương khớp chưa cứng cáp. Đến tháng thứ 4, bé đã có thể mạnh dạn chạm chân xuống khi được ba mẹ bế đứng lên bề mặt nào đó và có thể đứng kèm theo nhún nhảy ở tháng thứ 6.

Ở giai đoạn cuối tháng thứ 9, nhiều bé đã có thể vịn tay vào tường hay đồ vật nào đó cứng cáp để đứng lên nhưng hầu như chỉ đứng yên một chỗ. Đến tháng thứ 10 hoặc 11, bé có thể bám vào đồ vật để lần từng bước đi nhỏ và đến giai đoạn 1 tuổi, bé có thể tự đứng mà không cần sự hỗ trợ nào.

Trẻ biết đứng đồng nghĩa với việc khoảng cách tiếp xúc với sàn khi té ngã sẽ xa hơn. Do vậy, ba mẹ nên ở bên cạnh trẻ trong lúc trẻ tập đứng cũng như tạo môi trường mềm mại để giảm thiểu tổn thương khi té ngã.

Cột mốc thứ 7 – Bước đi

Những bước đi đầu tiên của bé luôn là điều mà bất kỳ ba mẹ nào cũng quan tâm. Trẻ thường tập đi sau khi đã biết đứng vững hoặc có sự hỗ trợ đắc lực của ba mẹ, thường là vào khoảng tháng thứ 11. Khi tròn 1 tuổi, nhiều bé có thể chập chững từng bước trong khoảng cách ngắn nhưng cũng có nhiều bé có thể tự mình đi những bước vững chãi hơn.

Việc ba mẹ cần làm trong giai đoạn này là hiểu về khả năng tập đi của con thông qua cách chăm sóc hàng ngày để điều chỉnh thời gian tập đi cho bé. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể mua các dụng cụ tập đi để trẻ vừa chơi vừa tập, từ đó đạt hiệu quả nhanh chóng hơn. Những lời động viên, khích lệ của ba mẹ cũng là động lực to lớn để bé tự tin bước đi hơn.

Cột mốc thứ 8 – Phát triển thính giác

Thính giác của trẻ đã phát triển từ khi còn trong bụng mẹ nên sau khi sinh ra, trẻ có thể nghe thấy những âm thanh từ bên ngoài và nhận biết những âm thanh quen thuộc từ bố mẹ. Ở tháng thứ 2, trẻ biết quay đầu sang phía có âm thanh, nhất là ba mẹ gọi bé. Sang tháng thứ 3, trẻ có thể nhận biết được âm thanh phát ra từ vị trí nào và bắt đầu có những phản ứng với âm thanh đó từ tháng thứ 6.

Ở tháng thứ 9, hệ thống thính giác của bé phát triển nhiều hơn giúp bé xử lý âm thanh chuẩn hơn nên có thể bắt chước lại. Đến tháng thứ 12, khi thính giác dần hoàn thiện, trẻ có thể phân tích được đặc điểm của những âm thanh nghe được. Việc trò chuyện với bé hoặc đọc truyện cho bé nghe hàng ngày sẽ giúp bé phát triển tốt khả năng nghe của bản thân.

Cột mốc thứ 9 – Biết cười

Chắc hẳn là không ít lần ba mẹ thấy bé yêu cười trong khi ngủ kể cả trong 1 – 2 tháng đầu sau sinh nhưng đến tháng thứ 5 – 6 thì khả năng mỉm cười của bé mới được biểu hiện rõ nét hơn. Những tháng tiếp theo, bé sẽ bắt đầu cười đùa nhiều hơn khi ba mẹ pha trò. Tuy nhiên phụ huynh cũng nên lưu ý tránh chọc cười bé trong lúc bú sữa hay ăn dặm để tránh gây sặc.

Cột mốc thứ 10 – Phát triển thị giác

Đôi mắt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, nhãn cầu chưa vào đúng vị trí nên thường không nhìn rõ ngay sau sinh. Sau 1 tháng, bé mới có thể nhìn rõ gương mặt của ba mẹ và sau 2 tháng, bé có thể ghi nhận vật thể theo trục xoay, trục dọc. Khoảng tháng thứ 3 – 4, bé có thể phối hợp được tay và mắt, sau đó cải thiện tầm nhìn và khả năng nhận diện khuôn mặt quen thuộc hay màu sắc ở tháng thứ 5 – 6.

Ở tháng thứ 9, bé có thể nhận diện người và đồ vật ở khoảng cách xa hơn và khi được 1 tuổi, khả năng thị giác của bé sẽ hoàn thiện hơn, giúp bé nhìn nhận thế giới quan xung quanh mình.

Thị giác phát triển giúp trẻ hình thành nhận thức rõ ràng hơn về thế giới xung quanh
Thị giác phát triển giúp trẻ hình thành nhận thức rõ ràng hơn về thế giới xung quanh

Cột mốc thứ 11 – Giấc ngủ thay đổi theo từng giai đoạn

Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, nhất là trong 2 tháng đầu sau sinh, thời gian ngủ của trẻ vào ban ngày và ban đêm gần như bằng nhau. Tuy nhiên, đến khoảng tháng thứ 6, số giờ trẻ ngủ vào ban ngày chỉ còn khoảng 4 tiếng và số giờ ngủ ban đêm kéo dài từ 8 – 9 tiếng. Khi tròn 1 tuổi, số giờ ngủ của trẻ vào ban ngày được rút ngắn thành 3 tiếng, còn ban đêm lại duy trì đến 11 tiếng.

Cột mốc thứ 12 – Biết cầm nắm

Kể từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh đã có phản xạ nắm bàn tay lại khi ba mẹ chạm vào lòng bàn tay và xảy ra tương tự ở lòng bàn chân bằng cách co quắp các ngón chân. Ở tháng thứ 6, trẻ có thể dùng đôi tay để cầm nắm những đồ vật trên một mặt phẳng. Cuối tháng thứ 7, trẻ có thể cầm nắm các đồ vật nhỏ bằng cách dùng đầu ngón cái và ngón trỏ nhưng chưa thuần thục cho đến tháng thứ 9. Ở tháng thứ 12, kỹ năng cầm nắm của trẻ sẽ được hoàn thiện hơn, có thể cầm chặt đồ vật hơn.

Cột mốc thứ 13 – Ăn được thức ăn đặc

Từ lúc mới sinh cho đến hết tháng thứ 5, hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh chưa được phát triển hoàn thiện nên bé chỉ tiêu thụ được những thức ăn dạng lỏng. Kể từ tháng thứ 6, bé mới có thể ăn được những thức ăn dạng đặc như các loại bột ăn dặm. Vì thế mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm dần cho đến hết tháng thứ 7, bé sẽ bắt đầu biết cử động cơ hàm để nhai thức ăn hoặc biết ngậm chặt miệng lại khi mẹ đút thức ăn bằng muỗng.

Ở tháng thứ 8, mẹ có thể tập cho bé ăn những thức ăn cứng hơn 1 chút và có thể cầm nắm thức ăn ở tháng thứ 9. Đây là giai đoạn mà mẹ có thể cho bé tự ăn bằng tay theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, giúp bé làm quen với việc tiếp cận và xử lý thức ăn, hình dung thế giới thông qua thức ăn cũng như rèn luyện sự khéo léo khi sử dụng nhiều giác quan cùng lúc.

Cột mốc thứ 14 – Bắt đầu mọc răng

Mọc răng là giai đoạn đánh dấu quá trình phát triển của trẻ ở tháng thứ 7 và 8 với sự xuất hiện của hai chiếc răng đầu tiên ở hàm dưới, sau đó là hai chiếc răng cửa ở hàm trên vào tháng thứ 9. Ở tháng thứ 11 và 12, những chiếc răng ở hàm dưới cũng bắt đầu mọc dần. Thông thường, khi tròn 1 tuổi bé sẽ có khoảng 8 răng bao gồm 4 răng cửa và những răng kế bên ở cả hàm trên và hàm dưới.

Cột mốc thứ 15 – Phát triển khả năng nhận thức

Trẻ nhỏ từ 1 – 3 tháng tuổi có thể quan sát xung quanh nhưng chưa nhận thức được nhiều về thế giới xung quanh. Tháng thứ 4 là giai đoạn nhận thức quan trọng, giúp bé quan sát mọi thứ xung quanh cũng như có những phản ứng cơ bản với ba mẹ hay người thân chăm sóc bé hàng ngày.

6 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu biết tò mò về mọi thứ đang diễn ra, biết xem xét đồ vật bằng cách cầm nắm. Đến tháng thứ 7, trẻ có thể nhận biết đồ vật bị che giấu dưới đồ vật khác, từ đó hình thành nên khả năng tìm kiếm hoặc che giấu. Ở tháng thứ 9 và 10, bé có thể bắt chước được nhiều cử chỉ hơn cũng như dễ dàng tìm ra đồ vật mà ba mẹ giấu trước mặt. Khi tròn 1 tuổi, bé có thể biết tên và một số đặc điểm của đồ vật xung quanh.

Cột mốc thứ 16 – Có tình cảm và phát triển kỹ năng xã hội

Ở những tháng đầu sau sinh, bé hoàn toàn có thể cảm nhận được sự quen thuộc của ba mẹ thông qua việc trò chuyện với bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Vậy nên, nếu được ôm ấp hoặc nghe âm thanh quen thuộc từ ba mẹ, bé có thể ngừng khóc. Ở tháng thứ 2, bé bắt đầu biết mỉm cười với những người quen thuộc, gần gũi.

Ở tháng thứ 4, khi thấy đói, mệt mỏi hay đau, bé có thể biểu hiện bằng cách khóc để gây sự chú ý của ba mẹ. Bắt đầu từ tháng thứ 6, bé có khả năng nhận diện được gương mặt của người thân và bắt đầu biết lạ. Ở tháng thứ 8, bé có thể cảm nhận được sự an toàn khi ở bên ba mẹ và sẽ khóc nếu ngủ dậy mà không thấy ba mẹ bên cạnh.

Trên đây là tất tần tật những cột mốc phát triển của bé mà ba mẹ cần lưu ý để xây dựng kế hoạch chăm sóc và nuôi dạy trẻ để trẻ có thể phát triển nhanh chóng về cả thể chất lẫn tinh thần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TOC