Thai kỳ luôn là khoảng thời gian đặc biệt và thiêng liêng đối với mỗi người phụ nữ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu sẽ trải qua vô vàn cảm xúc từ ngạc nhiên, vui mừng, lo sợ đến bối rối. Vậy, khi mới phát hiện có thai nên làm gì? – Đây là câu hỏi được các thai phụ quan tâm, đặc biệt trong lần mang thai đầu tiên. Cùng Khỏe Đẹp Cao Hơn tham khảo bài viết dưới đây để trang bị những kiến thức cần thiết và chuẩn bị cho một thai kỳ thật khỏe mạnh nhé!
![[Giải đáp thắc mắc] Mới phát hiện có thai thì nên làm gì?](https://khoedepcaohon.com/wp-content/uploads/2023/04/moi-phat-hien-co-thai-nen-lam-gi.png)
Những dấu hiệu giúp nhận biết mang thai ở thời gian đầu
Khi mới bắt đầu mang thai, cơ thể người mẹ sẽ không có quá nhiều sự thay đổi, đặc biệt là trong tuần đầu. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận biết được thông qua những dấu hiệu mang thai sớm như sau:
– Thân nhiệt tăng.
– Núm vú chuyển màu sang nâu đậm.
– Bầu vú cương cứng và có thể hơi đau.
– Dễ buồn nôn với một số mùi.
– Dễ bực bội, cáu gắt, có thể thay đổi tính tình.
– Đi tiểu nhiều hơn.
– Có sự thay đổi về màu sắc của âm đạo và dịch nhầy.
Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể gặp một số triệu chứng khác:
– Táo bón.
– Khó tiêu.
– Đầy bụng.
– Khó ngủ, mất ngủ.
Các triệu chứng kể trên có thể rõ ràng hoặc không, do đó thai phụ cần lưu ý để phát hiện mình đã mang thai ngay từ sớm để xây dựng một chế độ sinh hoạt hợp lý.

Mới phát hiện có thai thì nên làm gì?
Khi phát hiện mình mang thai, người mẹ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc nhưng bên cạnh đó khó tránh khỏi sự lo lắng, bối rối vì sắp bước đến một chặng đường mới nhiều khó khăn và thử thách hơn. Chính vì vậy, các mẹ đừng quên trang bị một số kiến thức cơ bản trước khi mang thai để có hành trình “9 tháng 10 ngày” thật suôn sẻ và an toàn nhé.
Khám thai
Sau khi xuất hiện những dấu hiệu mang thai ở tuần đầu tiên sau quan hệ, bạn cần đi khám trong thời gian càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để loại trừ khả năng mang thai ngoài tử cung, đồng thời kiểm tra nhịp tim, cân nặng, huyết áp,… nhằm phòng ngừa một số biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ như: Tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ,….

Xét nghiệm máu
Song song với việc khám tổng quát, bạn cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm để xác định nhóm máu, xét nghiệm đường huyết, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu,.… Việc này sẽ giúp mẹ bầu sớm phát hiện các bệnh truyền nhiễm như: Viêm gan siêu vi B, Rubella, STD (bệnh lây qua đường tình dục),… từ đó có những biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.

Tuân thủ một chế độ dinh dưỡng xây dựng riêng cho bà bầu
Mang thai đồng nghĩa với việc bạn cần nạp một lượng dưỡng chất nhiều hơn để nuôi dưỡng thai nhi phát triển toàn diện ngay từ trong bụng mẹ. Do đó, bạn phải đảm bảo một chế độ dinh dưỡng phù hợp khi mang thai gồm đầy đủ các chất dinh dưỡng (bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất). Đặc biệt, một số vi chất cần được tăng cường trong suốt thai kỳ như: Canxi, Axit Folic và sắt theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Mẹ bầu cần xây dựng một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là chú ý đến chất lượng giấc ngủ và cố gắng ngủ đủ giấc, khoảng 07 – 08 giờ/ngày. Để có một đêm thật ngon giấc, bạn nên tránh xa trà, cà phê trước khi ngủ 04 giờ, không uống quá nhiều nước sau 20h và duy trì vận động nhẹ nhàng vào ban ngày giúp cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn vào ban đêm. Bên cạnh đó, một giấc ngủ ngắn buổi trưa cũng rất cần thiết và hỗ trợ mẹ bầu mau hồi phục sức khỏe.

Bổ sung kiến thức thai kỳ và sinh nở
Muốn trải qua một hành trình “9 tháng 10 ngày” mang thai, sinh nở và nuôi dạy con thật suôn sẻ, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức về thai kỳ, sinh con cũng như chăm sóc bé yêu như thế nào sau khi chào đời.
Bạn có thể tham khảo những kiến thức này thông qua báo chí, các diễn đàn hay tham gia các lớp học tiền sản. Nếu có điều kiện, hãy đi cùng với chồng để anh ấy có thể dễ dàng chăm sóc bạn trong lúc mang thai cũng như hỗ trợ chăm bé yêu sau này.

Những lưu ý trong thời gian đầu mang thai
Thời gian đầu của thai kỳ, đặc biệt là 12 tuần đầu tiên vô cùng quan trọng bởi giai đoạn này kích thước thai còn rất nhỏ nên mẹ thường ít chú ý đến chế độ ăn uống cũng như nghỉ ngơi. Ngoài ra, thai nhạy cảm hơn với những tác động môi trường. Nếu không được chăm sóc tốt, thai nhi sẽ dễ bị tổn thương, chậm phát triển, dị tật hay thậm chí là dọa sảy thai. Vậy mới phát hiện có thai nên làm gì?
Dưới đây là một số điều mẹ bầu cần lưu ý khi nghi ngờ mang thai hoặc mang thai trong những tuần đầu tiên.
Bảo vệ & hạn chế tác động xấu đến thai
Khoảng 12 tuần đầu tiên – Đây là giai đoạn rất dễ sảy thai, nhiều phụ nữ còn không biết bản thân đang mang thai khi được bác sĩ thông báo là đã sảy thai. Do đó, việc điều tiên là cần căn cứ trên ngày rụng trứng và ngày quan hệ để theo dõi, xem xét về khả năng mang thai.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn sảy thai, trong đó có một số nguyên nhân không thể kiểm soát như: Biến dị, sai lệch nhiễm sắc thể ở quá trình phân bào hay các yếu tố tác động từ môi trường, dinh dưỡng, sức khỏe,….

Những biện pháp giúp hạn chế nguy cơ sảy thai sớm ở những tuần thai đầu tiên:
– Không nên mang thai & sinh con quá sát nhau, tốt nhất nên sinh cách nhau tối thiểu là 24 tháng để có thể đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
– Mẹ không nên mang thai khi quá lớn tuổi, từ sau 35 tuổi trở đi, mẹ mang thai sẽ làm tăng nguy cơ dị tật cũng như những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
– Tránh những hoạt động mạnh có thể gây động thai, sảy thai, đặc biệt như các môn thể thao vận động đòi hỏi nhiều sức lực như: Nhảy dây, leo núi, chạy bộ, đạp xe,….
– Tập thể dục nhẹ nhàng, ưu tiên lựa chọn những môn thể thao phù hợp cho phụ nữ mang thai như: Yoga, đi bộ,.…
– Tiêm phòng đầy đủ các vắc xin trước & trong thai kỳ vào những thời điểm thích hợp theo khuyến cáo.
– Khám & sàng lọc sức khỏe sinh sản trước kết hôn và mang thai nhằm phát hiện những nguy cơ dị tật thai để có biện pháp theo dõi cũng như phòng ngừa hiệu quả.
– Hạn chế những thức uống có hại như: Thuốc lá, rượu bia, cafe,….
– Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, tia bức xạ,….
– Giữ gìn sức khỏe và tránh mắc các bệnh lý, đặc biệt là bệnh do virus gây ra vì có thể gây nhiều biến chứng thai như: Bệnh truyền nhiễm, sốt virus, cảm lạnh,….

Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Phụ nữ mang thai ở thời gian đầu thì việc chăm sóc và ổn định thai là rất quan trọng và cần được ưu tiên. Ngoài kiểm soát & hạn chế những nguyên nhân gây sảy thai, thai chậm phát triển, dị tật thai, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng như sau:
– Ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi sạch và giàu dinh dưỡng.
– Khi mang thai, mẹ bầu thường có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn,… nên hãy tăng cường sử dụng những thực phẩm tươi ngon, giàu dưỡng chất và ít gây kích thích đường ruột.
– Nên bổ sung các thực phẩm tốt cho thai nhi và có chứa các dưỡng chất như: Canxi, sắt, protein, acid folic,….
– Uống sữa hoặc sử dụng những thực phẩm dinh dưỡng kết hợp với một chế độ ăn hợp lý trong thai kỳ là điều cần thiết để mẹ bầu có đủ sức khỏe.
– Kiêng những thực phẩm có khả năng gây hại cho thai nhi.
– Khi mang thai ở những tuần đầu tiên, mẹ bầu lưu ý không dùng những thực phẩm như: Rau ngót, đu đủ xanh, dứa,…. Ăn quá nhiều những thực phẩm này có thể gây khó chịu, đau bụng, co thắt tử cung hay nghiêm trọng hơn là sảy thai.
– Về sữa uống dùng trong thời mang thai: Lựa chọn sữa và những chế phẩm từ sữa được tiệt trùng. Mẹ bầu không nên sử dụng sữa tươi vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Trang bị kiến thức và tâm lý vui vẻ, thoải mái
Một tâm lý tích cực, thoải mái và không bị căng thẳng là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp thai nhi phát triển thật khỏe mạnh. Khi phát hiện có thai ở những tuần đầu, mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ngủ sớm và đủ giấc cũng như làm việc nhẹ nhàng để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, để có thể theo dõi & chăm sóc sức khỏe thai nhi tốt hơn, mẹ cần nhớ lịch khám thai ở những mốc quan trọng. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát, sàng lọc dị tật thai,… và tư vấn để mẹ bầu có thể chăm sóc cho “thiên thần nhỏ” tốt hơn.

Những dấu hiệu bất thường trong thời gian đầu mang thai cần lưu ý
Nếu có những dấu hiệu dưới đây, mẹ bầu cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời bởi vì có thể thai nhi đang gặp phải một số vấn đề bất thường.
– Chảy máu.
– Sốt, đau và cảm giác ớn lạnh.
– Nhức đầu, chóng mặt và đôi khi bị ngất.
– Thường xuyên tiểu rắt, tiểu buốt.
– Xuất hiện những cơn đau nghiêm trọng ở vùng chậu.
– Dịch tiết âm đạo có mùi, màu sắc, thể chất,… bất thường.
– Bàn chân, bàn tay hay mặt bị sưng phù.
Đây rất có thể là những dấu hiệu dọa sảy thai, sảy thai. Do đó, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và tư vấn giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Bài viết chia sẻ một số thông tin về những dấu hiệu nhận biết mang thai sớm và giúp mẹ bầu giải đáp thắc mắc “mới phát hiện có thai nên làm gì?”. Hy vọng những nội dung này có thể giúp các mẹ trang bị kiến thức cần thiết và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Dược sĩ Võ Thu Yến là chuyên gia dinh dưỡng về sức khỏe mẹ bầu, làm đẹp và chiều cao, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM. Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, dược sĩ Yến đã luôn đam mê với ngành y học và dinh dưỡng từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học, dược sĩ Yến đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, giúp hàng ngàn người cải thiện sức khỏe và ngoại hình của mình. Dược sĩ Yến luôn chú trọng vào việc giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng hợp lý và làm đẹp từ bên trong. Dược sĩ Yến là một người rất tâm huyết và tận tâm trong công việc của mình.